Là nhân viên mới, lại vừa ra trường, chắc chắn bạn sẽ không tránh khỏi những “cú sốc” khi làm việc tại một công sở nào đó. Muốn trụ vững trong môi trường làm việc mới, bạn đừng bỏ qua những lưu ý dưới đây:
1. Đừng tỏ ra quá thân mật
Mới tuần đầu làm việc mà bạn đã xem nơi công sở như nhà riêng của mình. Bạn mang mọi thứ vào văn phòng, chưng diện những bức ảnh của mình, đặt sữa chua và thức ăn vào riêng một góc tủ lạnh, dùng ly uống café tùy tiện và bắt đầu mỗi buổi sáng bạn chỉ biết pha riêng cho mình một tách café. Đừng làm như thế với vai trò là một nhân viên mới. Đừng xâm phạm mảnh đất của người khác một cách tùy tiện như vậy. Nên nhớ, họ là những nhân viên làm việc lâu năm, bạn chỉ là một người mới đến.
2. Không nên nói quá nhiều
Trong phòng làm việc, bạn chưa biết ai đã li dị, ai đã lập gia đình, và ai là người chuyên chia rẽ tình đồng đội, vì thế bạn chỉ nên im lặng và cười. Sử dụng ngôn từ trung lập giọng nói nhẹ nhàng là cách hay nhất để giao tiếp với mọi người. Không được dùng tiếng lóng và những cụm từ hơi thô tục vào môi trường mới này và dù bất cứ tình huống nào.
3. Chớ làm theo cách riêng của mình
Bạn đang hòa nhập vào một môi trường mà văn hóa công sở đã được thiết lập sẵn và họ đang làm mọi thứ theo những phương cách riêng của họ. Bạn nên thích hợp với môi trường làm việc ấy, không nên chống đối lại. Ngạn ngữ có câu “Khi ở Rome, hãy làm như người Rome đang làm, hãy sống như người Rome đang sống”.4. Đừng than phiền
Bạn là một nhân viên mới, chắc chắn bạn cần phải học hỏi nhiều ở họ, những nhân viên cũ, lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn. Vì thế không có lý do gì để bạn than thở, chỉ trích, mà cần phải vui vẻ học hỏi. Nếu bạn là một người vui vẻ, nhiệt tình thì bạn sẽ nhận được những điều ấy từ mọi người xung quanh.
5. Không phải lúc nào bạn cũng được về đúng giờ
Bạn vẫn nghĩ đơn giản là sẽ đến chỗ làm vào lúc 8-9h sáng và ra về vào lúc 5h chiều. Nhưng sếp của bạn lại nghĩ khác. Là nhân viên mới, bạn sẽ thường xuyên phải ở lại muộn để hoàn thành công việc, và tất cả những gì bạn có thể làm là phải cố gắng để làm quen với thực tế này. Trong nhiều lĩnh vực, dường như đã trở thành một luật bất thành văn là nhân viên thường xuyên phải làm thêm giờ. Tuy nhiên, nếu cảm thấy mình bị lợi dụng, bạn có thể lên tiếng với sếp để xem có thể được cắt giảm bớt giờ làm thêm hay không.
6. Công việc nhiều hơn mô tả khi tuyển dụng
Khi vào làm việc, bạn sẽ được giao những nhiệm vụ hoàn toàn không có trong miêu tả công việc mà nhà tuyển dụng đưa ra khi bạn chưa được tuyển. Bạn cảm thấy bực nhưng đừng vội phàn nàn. Nếu bạn nhận thêm nhiệm vụ với thái độ tích cực, mọi người sẽ ghi nhận và những cố gắng của bạn sẽ được công nhận. Làm được nhiều công việc sẽ giúp bạn trưởng thành hơn và sẽ có cơ hội thăng tiến nhiều hơn.
7. Nhân viên cũ thường “ăn bớt” thời gian
Anh đồng nghiệp ngồi gần bạn nghỉ để uống cà phê 10 ngày mỗi lần. Phần lớn đồng nghiệp của bạn nghỉ ăn trưa quá giờ quy định. Năng suất làm việc ở văn phòng không hề cao như bạn tưởng. Nhưng đó chính là cơ hội để bạn tỏa sáng. Hãy tranh thủ thời gian, tập trung vào công việc, và bạn có thể sẽ là người đầu tiên được tăng lương khi đến đợt điều chỉnh.
8. Có người muốn phá hoại công việc của bạn
Rất có thể có một đồng nghiệp nào đó đã mơ ước có được vị trí của bạn trước khi công ty tuyển bạn. Họ sẽ có tâm lý thù địch với bạn. Đừng quan tâm tới điều đó. Chỉ cần bạn quan tâm tới công việc của mình. Nếu tình hình trở nên tồi tệ, bạn có thể báo cáo phòng nhân sự để có sự can thiệp cần thiết.
9. Mọi hành động của bạn đều bị “soi”
Đồng nghiệp sẽ “soi” bạn, nhất là khi bạn còn là “lính mới”. Thậm chí, khi bạn đã làm việc trong công ty một thời gian dài, bạn vẫn sẽ tiếp tục bị theo dõi. Các hoạt động hàng ngày của bạn, thời gian bạn đến cơ quan và ra về, các trang web bạn truy cập… đều có thể bị “soi”. Thực tế này có thể xuất phát từ chính sách của công ty, nhưng cũng có thể chỉ là kết quả từ tính thích xoi mói của những người đồng nghiệp. Do đó, hãy thận trọng ngay từ những việc rất nhỏ.