*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Oliver Emberton
Tỷ phú Bill Gates từng nói: “Cuộc sống vốn không công bằng. Hãy tập quen dần với điều đó”. Thật vậy, trừ khi bạn là kẻ đánh đâu thắng đó, mỗi ngày sẽ đều là gánh nặng cho những người bị đối xử “bất công”.
Sự thật thì, cuộc đời vốn là một trò chơi phức tạp và không mấy dễ chịu. Người chơi sẽ cần đọc kỹ và hiểu đúng những quy tắc đã có trước khi bắt đầu vào cuộc chơi. Thế nhưng, chẳng mấy ai đủ kiên nhẫn để thấm nhuần những điều tưởng như hết sức hiển nhiên ấy.
Quy tắc 1: Đời là một cuộc ganh đua
Bạn đang yên vị cả năm nay tại một công ty ăn nên làm ra? Có không ít người đang cố dìm chết công ty bạn. Đây là công việc bạn yêu thích? Bạn có chắc vài năm nữa sẽ không bị sếp thay thế bằng một chương trình máy tính? Cô nàng nóng bỏng kia là hình bóng đánh cắp trái tim bạn bấy lâu nay? Có hơn 1 người đang lên kế hoạch biến cô ta làm của riêng trước khi bạn kịp hành động.
Cho dù chẳng mấy ai muốn thừa nhận, nhưng tất cả chúng ta đều đang trong một cuộc tranh đua quyết liệt. Nghe hơi kỳ cục nhưng đa số thường có thói quen tự… lừa mị bản thân (rằng mình có khả năng) để tạm thời trốn tránh khỏi thực tại đầy nghiệt ngã.
“Chỉ cần cố gắng hết sức sẽ thành công”, “Bản thân ta chính là đối thủ lớn nhất”, “Đây chỉ là một cuộc chơi thôi, đừng quá áp lực”… Ta vẫn thường nghe những câu nói động viên ấy đến nhàm cả tai. Nhưng đáng buồn là, những viên kẹo ngọt ngào tưởng như xoa dịu tâm hồn ấy thực chất chỉ là những viên đạn bọc đường hối thúc ta cố sống chết để có được thứ mình muốn. Nếu cuộc thi đó chẳng có mấy ý nghĩa, bạn việc gì phải cố bám trụ để giành phần thắng?
Thật may mắn khi chúng ta không sống ở một thế giới nơi con người phải tiêu diệt lẫn nhau để tồn tại. Nền văn minh hiện đại có khả năng làm thỏa mãn phần nào đời sống của mỗi cá nhân, cho dù họ không thuộc tuýp bon chen giành quyền lợi.
Thế nhưng, đừng bao giờ chủ quan rằng mình chẳng phải cạnh tranh để có được cuộc sống hiện tại. Bạn có dám khẳng định mình chưa từng cố ăn mặc thật hấp dẫn để thu hút người đối diện giữa hàng tá cô nàng xinh đẹp xung quanh? Bạn đã từng tham gia phỏng vấn cho một công việc nào chưa? Bạn có cố đến thật sớm để trở thành người đầu tiên sở hữu chiếc iPhone mới nhất?…
Nếu vẫn cho rằng đó không phải trò ganh đua, thì đơn giản là bạn đã thua cuộc. Mọi mưu cầu lợi ích đều sẽ dẫn đến ganh đua. Và chiến thắng sẽ chỉ dành cho những ai thực sự chiến đấu vì nó.
Quy tắc 2: Người khác đánh giá bạn ở những gì bạn làm, không phải những gì bạn nghĩ
Có thể bạn chưa nhận ra, nhưng xã hội có thói quen đánh giá con người dựa trên những gì họ có thể làm cho người khác. Bạn vừa cứu một đứa trẻ khỏi đám cháy, sơ cứu người bị tai biến hay đơn giản chỉ là biết kể chuyện cười, bạn sẽ được người khác “định giá” ngay lúc đó.
Điều đáng nói là, bạn thường không tự đánh giá bản thân theo cách đó. Chúng ta chỉ đơn thuần tự tin cho rằng “tôi là người tốt”, hay “chắc chắn tôi sẽ làm được”. Những câu tự an ủi này sẽ là liều thuốc an thần hữu hiệu cho bạn trước khi chìm vào giấc ngủ. Trớ trêu thay, đó không phải cách thế giới đang nhìn vào bạn.
Bạn có ý định tốt hay không? Với họ không quan trọng. Lời hứa danh dự, tình yêu và bổn phận? Cũng chẳng có ý nghĩa gì. Điều họ quan tâm là bạn sẽ làm được gì cho thế giới. Họ cho rằng, đức tính tốt đẹp cũng chẳng để làm gì nếu không có khả năng.
Cho dù được đánh giá tốt hay xấu đi chăng nữa, chúng ta cũng đang bị người đời nhìn vào với một con mắt dò xét và ích kỷ. Một nhân viên gác cổng cần mẫn sẽ chẳng được tung hô bên cạnh một nhà đầu tư chứng khoán kiếm tiền như nước. Một nhà khoa học nghiên cứu ung thư sẽ ít được ngưỡng mộ hơn dàn siêu mẫu bốc lửa chân dài. Vì sao vậy? Đó là bởi những khả năng được ca ngợi đó khá khó kiếm và trên hết – ảnh hưởng tới nhiều người hơn.
Cứ tạo ra sản phẩm chất lượng tốt là sẽ được tung hô?
“Hữu xạ tự nhiên hương” – Chúng ta thường có niềm tin bất diệt rằng tài năng của mình sớm muộn rồi sẽ tỏa sáng. Chúng ta thích nuôi hy vọng rằng “chỉ cần làm ra một sản phẩm để đời, thế giới rồi sẽ biết đến tôi”… Nhưng trong thực tế, sự tán thưởng của đám đông đơn giản chỉ là một hiệu ứng ăn theo mang tính mạng lưới. Chúng đến từ những người bạn có tiếp xúc hoặc biết tới bạn.
Vì thế, nhạc phẩm tuyệt tác của bạn sẽ có nguy cơ nằm trong xó cả năm nếu mọi người chẳng biết bạn là ai. Bạn viết xong một cuốn tiểu thuyết nhưng lại không ra sách, bạn vẫn chỉ là cây bút vô danh. Nhưng nếu bạn là người viết “Harry Potter”, cả thế giới sẽ biết đến tên bạn.
Bạn nhầm rồi! Một sản phẩm bình thường như “cân đường hộp sữa” cũng sẽ được tâng lên tận mây xanh nếu có cả tỷ người thích nó.
Bạn có thể không muốn tin điều này, thậm chí căm thù nó: Thực tế cuộc sống chẳng hề rủ lòng thương với bất kỳ ai. Bạn sẽ được chấm điểm bằng những việc bạn có khả năng hoàn thành và số lượng người bạn có thể ảnh hưởng đến. Nếu không chịu chấp nhận sự thật đắng ngắt này, e là phán xét của thế giới dành cho bạn sẽ chẳng bao giờ công bằng như bạn hằng mong muốn.
Quy tắc 3: Khái niệm công bằng của mỗi người luôn nhuốm màu lợi ích cá nhân
Con người vốn thích phát minh ra những chuẩn mực đạo đức. Đó chính là lý do chúng ta cần trọng tài trong trận đấu hay thẩm phán trong phòng xử án. Chúng ta luôn tìm kiếm cảm giác đúng – sai trong mọi tình huống, và hy vọng thế giới sẽ tuân theo. Cha mẹ dạy chúng ta điều đó từ khi lọt lòng. Thầy cô dạy chúng ta từ khi biết nhận mặt chữ. Cứ như vậy, những đứa trẻ đang lớn trong mỗi người đều nằm lòng câu thần chú: Cứ ngoan là sẽ có kẹo.
Nhưng thực tế lại thích tỏ ra tàn nhẫn. Bạn lao vào học như điên, nhưng lại thi trượt vỏ chuối. Bạn làm việc như con ong chăm chỉ, nhưng cuối cùng người khác lại được đề bạt. Bạn nhớ người ta đến phát điên, nhưng đáp lại chỉ là những tin nhắn hờ hững. Lúc này, đừng vội trách đời là bể khổ. Bởi chính bạn đang mải miết lặn ngụp trong đống khái niệm vỡ vụn về sự “công bằng”.
Thử nghĩ xem, giả dụ bạn được ai đó đem lòng yêu từ cái nhìn đầu tiên. Lý do là gì? Vì bạn là một cá thể đặc biệt? Vì bạn khiến họ muốn ở bên chăm sóc? Về cơ bản, những lý do đó có thể liên quan tới bạn, nhưng đa phần không phải vì bạn. Họ thích bạn, đơn giản bởi bạn làm họ thấy vui, bớt cô đơn và cảm thấy bản thân họ được “hoàn thiện”. Tương tự, “Tôi ghét lão sếp vì chẳng bao giờ tăng lương cho tôi!”, “Tôi ghét cảnh sát giao thông vì toàn bắt phạt vớ vẩn!”… Bởi bạn thích hay ghét một người, phụ thuộc cả vào việc người đó có cho đủ những gì bạn muốn nhận hay không.
Cũng không thể phủ nhận được cuộc sống này luôn có những hình mẫu quyền lực điển hình. Họ có thể là giáo viên của bạn, ông sếp khó tính hay đơn giản là nhị vị phụ huynh ở nhà. Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống thật nghẹt thở và bất công với những điều luật đầy bó buộc từ họ. Nhưng việc gì cũng có 2 mặt, và dù là người trong cuộc, chưa chắc bạn đã nhìn nhận tường tận được mọi khía cạnh của vấn đề: Thầy giáo nghiêm khắc để bạn chú tâm học hành, sếp thường xuyên phê bình vì bạn thờ ơ công việc, bố mẹ hay rầy la để bạn sống quy củ hơn…
Vì mỗi người đều có những sự ưu tiên khác nhau, nên đừng vội ủ dột và phán xét người khác. Thay vào đó, cho dù có cảm thấy bất công, hành động của người khác không nên là thứ quyết định những điều thuộc về bạn. Đừng quá bận tâm, hãy để chúng tồn tại như những tác dụng phụ của cuộc sống.
Tại sao cuộc sống không công bằng?
Đó là bởi ý muốn của chúng ta về sự công bằng quả thực không dễ đạt được. Nó thực ra chỉ là một tấm áo choàng lấp lánh gắn đầy những suy nghĩ mơ mộng, phủ lên trên phiến gỗ mộc thực tại xấu xí.
Nếu ai cũng được đối xử “công bằng” như những gì họ muốn, thử tưởng tượng xem thế giới sẽ… loạn đến mức nào? Hầu hết chúng ta đều dành quá nhiều thời gian vẽ nên cuộc sống trong mộng, đến nỗi chẳng kịp thấy thế giới thực quanh mình đang chuyển biến ra sao. Vì vậy, ngừng than vãn và đối mặt với thực tế mới chính là chìa khóa mở tung sự hiểu biết về thế giới cũng như mọi tiềm năng ẩn sâu bên trong bạn.
Tham khảo BusinessInsiderN